VQG Bạch Mã, với tiềm năng đa dạng sinh học cao, là nơi thích ứng với nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, đã có nhiều hoạt động nghiên cứu đã và đang được thực hiện ở đây. Nhiều kết quả điều tra nghiên cứu đã cung cấp những cơ sở dữ liệu quí giá phục vụ cho khoa học mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ khi VQG Bạch Mã được chính thức được thành lập, nhiều chương trình nghiên cứu khoa học đã được thực hiện bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng với lực lượng nghiên cứu khoa học của Vườn. Một số chương trình như:
+ Nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở VQG Bạch Mã (1998-2013) trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn cây thuốc cổ truyền” của Viện Dược liệu Trung ương. Kết quả đã xây dựng được danh mục cây thuốc Vườn quốc gia Bạch Mã gồm 632 loài, xác định được ở Bạch Mã có tới 28 loài cây thuốc quý hiếm được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, cần phải ưu tiên bảo tồn và phát triển; đã xây dựng mô hình trồng bảo tồn cây thuốc ở VQG Bạch Mã và trong cộng đồng.
Cây Bách bộ - Stemona tuberosa
Cây Sâm bồn bồn - Dracaena angustifolia
+ Đề tài “Đánh giá tác hại của chất độc hóa học đối với thảm thực vật rừng vùng trọng điểm ở VQG Bạch Mã” tiến hành từ năm 2000 đến 2004, dưới dự hỗ trợ kinh phí từ Viện Điều tra Qui hoạch rừng. Trong khuôn khổ đề tài, đã tiến hành trồng và chăm sóc 40 ha rừng cây bản địa, lập và đo đếm 200 ô tái sinh;
+ Đề tài “Nghiên cứu sinh thái Hổ (Panthera tigris)” do Quỹ Động vật Hoang dã và Cục Cá Quốc gia của Mỹ tài trợ kinh phí, tiến hành từ năm 2001 đến năm 2002. Đề tài đã được phía tài trợ đánh giá tốt kết quả.
+ Đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý - sinh thái và khả năng nhân giống bằng hom cây Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum) tại VQGBạch Mã” (1999-2003) đã nghiên cứu các chỉ tiêu sinh lý, sinh thái và nhân giống thành công nghiên cứu, đưa ra giải pháp tối ưu để phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gen quý của loài Hoàng đàn giả;
Hoàng đàn giả - Dacrydium elatum
+ Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn hai loài cây nguy cấp quý hiếm Gụ lau (Sindora tonkinensis) và Kiền kiền (Hopea pierrei) tại VQG Bạch Mã” (2009-2013) đã xác định được thông tin khoa học về phân bố, sinh thái của các đối tượng nghiên cứu, xây dựng quy trình gieo ươm, tạo cây con phục vụ cho nghiên cứu và trồng rừng phục hồi;
Cây Kiền Kiền - Hopea siamensis
+ Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng loài Sến trung (Homalium ceylanicum) tại Thừa Thiên Huế” (2010-2012) đã xác định được vùng sinh thái phân bố của loài và kỹ thuật nhân giống loài Sến trung từ hạt;
+ Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng các mô hình phục hồi rừng tự nhiên tại phân khu phục hồi sinh thái ở VQG Bạch Mã” (2010-2012) đã bước đầu điều tra đánh giá và xây dựng kỹ thuật trồng phục hồi rừng trên các trạng thái rừng nghiên cứu;
+ Đề tài tiềm năng cấp Bộ: “Nghiên cứu phát triển một số loài cây thuốc có giá trị tại VQG Bạch Mã theo hướng sản xuất hàng hóa” (2020-2022) đã bước đầu lựa chọn được 2 loài cây thuốc tiềm năng và nghiên cứu về đặc điểm sinh học và phân bố của 2 loài nghiên cứu.
Cây Chè dây - Ampelopsis cantoniensis
Cây Lá Vằn - Jasminum subtriplinerve
Bên cạnh đó, Vườn đã phối hợp với rất nhiều đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước đến hợp tác nghiên cứu trên một số lĩnh vực như:
+ Phối hợp với Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) trong việc điều tra loài Sao la, các loài thú móng guốc, giám sát các loài Vượn.
+ Hợp tác với vườn Thực vật Misuri – Hoa kỳ, trong việc hệ thống lại phòng tiêu bản thực vật. Tranh thủ trợ giúp từ đối tác tổ chức các khóa tập huấn nâng cao chuyên môn về việc điều tra hiên trường, thu tiêu bản, xử lý và làm các tiêu bản thực vật. Trong quá trình đó, đã phát hiện nhiều loài mới (7 loài họ Cau dừa, 3 loài họ Lan).
+ Hợp tác với vườn Thực vật Missouri – Hoa kỳ trong việc xây dựng một số mô hình trồng bảo tồn các loài cây thuốc bản địa có giá trị dưới tán rừng tự nhiên trong VQG Bạch Mã và vùng đệm của Vườn.
+ Phối hợp trường Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Nhật Bản thực hiện Dự án “Hợp tác kỹ thuật cải thiện đời sống nông thôn vùng đệm và bảo tồn thiên nhiên thông qua việc sử dụng đa mục đích than và giấm gỗ tại VQG Bạch Mã” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đã triển khai và phát triển các hoạt động ứng dụng than và giấm gỗ trong sản xuất chăn nuôi và trồng trọt cho người dân ở khu vực vùng đệm của Vườn.
+ Thực hiện dự án “Phát triển bảo vệ đa dạng sinh học ở khu vực mở rộng Vườn quốc gia Bạch Mã bằng cải thiện công tác quản lý trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát các loài chính, đồng quản lý và cơ chế chia sẽ lợi ích” do Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) tài trợ.
+ Hoạt động đặt bẫy ảnh giám sát động vật hoang dã tại VQG Bạch Mã qua chương trình hợp tác nghiên cứu giữa 3 bên: Viện nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (IZW) - Đức, WWF - Việt Nam và Vườn quốc gia Bạch Mã.
+ Phối hợp tổ chức WWF thực hiện giám sát Vượn và Trĩ sao; tổ chức đặt bẫy ảnh nghiên cứu đa dạng động vật ở Vườn.
+ Thực hiện điều tra, nghiên cứu Chà vá chân nâu cùng với Tổ chức Bảo tồn Voọc quốc tế.
+ Phối hợp với Nhóm Công tác Sao la (IUCN) về các hoạt động khảo sát, lập kế hoạch xây dựng Trung tâm nhân giống, cứu hộ bảo tồn Saola và các loài thú móng guốc nguy cấp theo chương trình hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với IUCN.
Ngoài ra, lực lượng khoa học của Vườn luôn tích cực phối hợp với các đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước đến học tập nghiên cứu tại hiện trường VQG Bạch Mã, qua đó đã tập hợp được nhiều thông tin khoa học hữu ích, làm cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu của Vườn.
Trần Thiện Ân