Vườn quốc gia Bạch Mã có giá trị to lớn về bảo tồn đa dạng sinh học; có chức năng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước, giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán, bão lũ và góp phần cải thiện đời sống của người dân trong khu vực. Với hơn 60.000 dân sống xung quanh, các khu rừng tự nhiên của Vườn không tránh khỏi những tác động tiêu cực như chặt cây lấy gỗ, thu hái lâm sản phụ hoặc săn bắt động vật rừng trái phép.
Cây ươi mùa sai quả
Đặc biệt năm 2021, cây Ươi đến mùa sai quả và do quả Ươi có giá trị kinh tế cao nên nguy cơ bị khai thác rất lớn. Do Ươi là loài cây vượt tán, có thân lớn và cao thẳng tắp nên việc thu hái quả rất khó khăn, nguy hiểm và mất nhiều công sức; nên người dân (khi chưa được phân giao địa bàn quản lý và quyền khai thác lâm sản phụ lâu dài) thường chọn phương thức chặt cây Ươi để thu lấy quả. Đây là phương thức khai thác hủy diệt và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng tự nhiên. Mặt khác, hiện nay việc quản lý các khu rừng đặc dụng chưa có quy định cho phép thu hái lâm sản phụ (Vd. quả Ươi) hoặc chưa có chính sách đồng quản lý để phân giao địa bàn cho người dân tự bảo vệ và tận thu lâm sản ngoài gỗ, nên rất khó quản lý, bảo vệ cây Ươi.
Để bảo vệ chống chặt phá cây Ươi, từ tháng 5/2021 VQG Bạch Mã đã xây dựng kế hoạch và có văn bản gửi các đơn vị liên quan nhằm tăng cường phối hợp tuyên truyền, chốt chặn và tuần tra kiểm soát (TTKS) tại rừng.
Phối hợp TTKS tại rừng với các ban ngành trên địa bàn
Vườn đã xác định và khoanh vùng trọng điểm, tăng cường quân số cho các trạm, đội và đẩy mạnh tần suất tuần tra kiểm soát TTKS tại rừng để phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vào rừng hoặc có hành vi tác động đến rừng trái pháp luật.
Các trạm kiểm lâm còn lập thêm các chốt ở cửa rừng xung yếu, phối hợp với chính quyền địa phương (công an huyện/xã, dân quân, cán bộ) để chốt chặn, tuyên truyền vận động người dân không vào rừng trái phép.
Phối hợp với các ban ngành trực 24/24 giờ để kiểm tra và ngăn chặn
người vào rừng trái phép
Vườn đã tăng cường tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ cây Ươi với nhiều hình thức khác nhau: treo băng rôn, biểu ngữ ở bìa rừng, khu vực giáp ranh dân cư sinh sống về quy định xử phạt theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh đến tận thôn (mỗi ngày một lần x 45 ngày); tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động; cũng như phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tại nhà đối tượng có tác động đến rừng.
Tuyên truyền lưu động trên địa bàn huyện Phú Lộc và Nam Đông
Phối hợp với các đơn vị ban ngành tuyên truyền lưu động
trên địa bàn các xã vùng đệm
Băng rôn tuyên truyền bảo vệ Ươi ở các xã vùng đệm
Để chiến dịch bảo vệ cây Ươi đạt hiệu quả cao, Vườn chủ động phối hợp với các đơn vị công an, ban chỉ huy quân sự, hạt kiểm lâm huyện và UBND các xã vùng đệm trong công tác chốt chặn tại cửa rừng, tuyên truyền vận động không vào rừng trái phép và tổ chức tuần tra kiểm soát tại rừng ở các khu vực giáp ranh. Bên cạnh đó, lực lượng Kiêm lâm Vùng 2 (Trụ sở đóng tại Thanh Hóa) cũng đã chủ động tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bạch Mã và các Hạt kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế để tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn.
Nhờ sự phối kết hợp của các bên, công tác bảo vệ rừng, PCCCR và bảo vệ cây Ươi trên địa bàn Vườn và các khu rừng tự nhiên trong khu vực được quản lý chặt chẽ hơn.
Minh Tâm – Kiều Ninh