Trong những năm gần đây, tình hình săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn diễn ra khá sôi động và phức tạp. Có một thực trạng đáng buồn là nhu cầu sử dụng ĐVHD hoặc các sản phẩm từ ĐVHD, nhất là những ĐVHD thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ngày càng tăng nên dẫn đến hành vi săn bắt, mua bán trái phép ĐVHD ngày càng nhiều. Điều này gây suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng hệ sinh thái rừng, trực tiếp tác động đến cuộc sống của con người.
Chuẩn bị tiến hành tái thả ĐVHD về rừng
Hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm nay với chủ đề “ Phục hồi hệ sinh thái”. Ngày 5/6/2021, Vườn quốc gia Bạch Mã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương tiến hành tái thả 31 cá thể Khỉ Đuôi dài (Macaca fascicularis), 03 cá thể Rùa núi viền (Manouria impressa) thuộc nhóm IIB và 01 cá thể Kỳ đà vân (Varanus bengalensis) thuộc nhóm IB Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp về với môi trường tự nhiên.
Khỉ đuôi dài được thẻ về rừng
Được biết rừng Bạch Mã phù hợp với sinh cảnh sống của các loài động vật trên. Các loài động vật sau khi được tái thả có sức khỏe tốt, vận động bình thường. Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ tiếp tục theo dõi, quản lý và bảo vệ các loài động vật được tái thả ngoài tự nhiên, để cho chúng được sống trong ngôi nhà xanh an toàn đó là Vườn quốc gia Bạch Mã.
Rùa núi viền được thả về rừng
Mỗi người dân, nếu cùng chung tay hành động, vì sự phục hồi của các hệ sinh thái, chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên, chúng ta hãy sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; không tiêu thụ, buôn bán, khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã,… và đặc biệt giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ để hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng luôn bền vững, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai.
Kiều Ninh – Minh Tâm