6a9daad2 Vườn quốc gia Bạch Mã tổng kết một năm thực hiện chương trình thí điểm chia sẻ lợi ích
5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Vườn quốc gia Bạch Mã tổng kết một năm thực hiện chương trình thí điểm chia sẻ lợi ích

Sau một năm thực hiện thí điểm, cơ chế chia sẻ lợi ích tại Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã đã mang những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức của người dân trong đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
;
Sau một năm thực hiện thí điểm, cơ chế chia sẻ lợi ích tại Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã đã mang những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức của người dân trong đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cơ chế chia sẻ lợi ích được thực hiện theo Quyết định 126 ngày 02 tháng 2 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc đồng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng. Cùng với VQG Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) - đại diện cho hệ sinh thái dưới nước, VQG Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) - đại diện cho hệ sinh thái trên cạn là hai VQG được chọn để thực hiện thí điểm cơ chế này. Tại VQG Bạch Mã, cơ chế chia sẻ lợi ích được thí điểm thực hiện tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, người dân được khai thác một số lâm sản ngoài gỗ (LSNG) trong rừng đặc dụng như mây, măng, mật ong, nấm linh chi, ốc suối, heo rừng, hạt ươi và hưởng lợi từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sinh kế.
Khai thác LSNG bền vững kết hợp với hỗ trợ sinh kế.
Từ nguồn tài trợ của Qũy bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (VCF), VQG Bạch Mã đã tiến hành phương án chia sẻ lợi ích tại 3 vùng gồm 7 thôn trên địa bàn xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là xã còn nhiều hộ nghèo, người dân sống cạnh rừng và đa phần dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng để duy trì sinh kế. Trong năm qua, đã có 236 hộ dân đăng kí tham gia phương án chia sẻ lợi ích, được tập huấn thu hái bền vững LSNG và được phân vùng quản lí, khai thác dưới sự giám sát của hội đồng quản lý bảo vệ rừng. Trong 7 loại LSNG được Bộ NN&PTNT phê duyệt, đã có 5 loại được người dân ở đây khai thác hiệu quả để bán ra thị trường hoặc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Năm loại LSNG bao gồm mây, mật ong, nấm linh chi, măng và ốc suối. Trong đó, mây và mật ong là hai sản phẩm có trữ lượng khai thác lớn và mang lại thu nhập cao cho người dân. Ông Hồ Văn Kiếm - Trạm trưởng trạm kiểm lâm Thượng Nhật cho biết: “Qua giám sát, việc khai thác các loại LSNG của người dân đa phần đã đáp ứng được quy trình kỹ thuật khai thác bền vững, đảm bảo duy trì tái sinh cho năm sau.”
Khai thác mây tại xã Thượng Nhật, Nam Đông
Bên cạnh cho phép khai thác LSNG, VQG Bạch Mã còn tiến hành hỗ trợ sinh kế cho những hộ nghèo và cận nghèo bằng việc cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi. Đã có 8 mô hình được thực hiện trong năm qua: mô hình trồng chuối già lùn nuôi cấy mô, mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi lợn thịt, nuôi dê lấy thịt, mô hình nuôi cá nước ngọt ở ao hồ, mô hình vườn cây thuốc nam, mô hình làm rừng giàu bằng cây bản địa, mô hình vườn gieo ươm cây giống. Nhờ áp dụng giống mới, năng suất nên các mô hình đã đem lại những hiệu quả kinh tế ban đầu, góp phần cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người dân”.
Nâng cao nhận thức người dân trong đồng quản lý, bảo vệ rừng
Tham gia chia sẻ lợi ích, người dân được hợp pháp hóa khai thác một số LSNG trong rừng đặc dụng nên bên cạnh việc hưởng lợi từ dự án, người dân còn thể hiện trách nhiệm của mình trong đồng quản lý, bảo vệ rừng. Các hộ đăng kí phương án đã thực hiện nghiêm túc việc khai thác và tham gia quản lý LSNG trong phạm vi được giao. Trong năm qua, đã có 30 trường hợp cung cấp tin báo và nhắc nhở, cảnh báo người ngoài địa phương không được vào thu hái LSNG cũng như khai thác, sử dụng tài nguyên trong rừng đặc dụng. Những tác động tiêu cực, gây áp lực lên tài nguyên rừng cũng giảm đáng kể: số vụ vi phạm săn động vật và khai thác gỗ trái phép đã giảm 50% so với các năm trước khi chưa thực hiện dự án. Điều đặc biệt, một số người dân còn hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng; thông tin về các đối tượng săn bắt thú rừng, khai thác gỗ trái phép, hay ngăn chặn các hành vi khai thác, đào đãi vàng, khoáng sản…Tuy nhiên, một số người dân còn dè dặt trong việc thông báo các vụ vi phạm do cả nể hoặc lo sợ bị trả thù. Mức độ tham gia của người dân trong bảo vệ rừng và giám sát thực hiện chính sách vẫn chưa cao; tính tự giác của người dân trong việc trích nộp quỹ để đóng góp vào hoạt động của thôn còn rất hạn chế.
Xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân tham gia chính sách; tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện là những hoạt động sẽ được VQG Bạch Mã quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Vườn cũng chú trọng tăng cường thí điểm các dịch vụ môi trường rừng như thủy điện, nước sạch, dịch vụ cac-bon…nhằm tạo ra nguồn chia sẻ lợi ích lớn hơn bên cạnh việc cho phép người dân hưởng lợi từ việc thu hái các LSNG.
                                                                                          Phan Hương