5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Vườn quốc gia Bạch Mã tổ chức hội nghị triển khai công tác QLBVR – PCCCR năm 2014

 

Chiều 08/05, tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông đã diễn ra hội nghị triển khai công tác QLBVR – PCCCR năm 2014. Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên Huế, UBND các huyện, xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã.
Hội nghị đánh giá tổng quát những công tác đã thực hiện trong năm 2013 đồng thời triển khai cụ thể những công tác sẽ tiến hành trong năm 2014.
Trong công tác QLBVR – PCCCR, trước hết hội nghị chú trọng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát rừng và pháp chế thanh tra. Tiến hành phân vùng để quản lý, phân công lực lượng chốt chặn, bám sát từng địa bàn, đảm bảo phương châm 4 “tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, thông tin liên lạc, phương tiện) nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống phá rừng và cháy rừng xảy ra trong thời gian tới. Phát biểu trước hội nghị, ông Ngô Văn Chiến – Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: “Nhờ công tác QLBVR – PCCCR tốt nên trong năm 2013, trên địa bàn huyện Nam Đông không xảy ra vụ cháy rừng nào!” Ông cũng đề cao và kêu gọi tăng cường hơn nữa công tác phối kết với các lực lượng chức năng trên địa bàn (kiểm lâm, công an) và chính quyền địa phương nhằm ngăn chạn triệt để nạn phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép và cháy rừng xảy ra.
             
Ông Ngô Văn Chiến – Chủ tịch UBND huyện Nam Đông
phát biểu ý kiến trong hội nghị
Cũng trong công tác QLBVR – PCCCR, hội nghị rất coi trọng đến công tác khoán bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong công tác khoán bảo vệ rừng năm 2013, các hộ và các đơn vị tập thể được giao khoán đã thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng, trực PCCCR, tuyên truyền vận động quần chúng nâng cao nhận thức bảo vệ rừng. Nổi bật đã có 12 hộ khoán bảo vệ rừng được nhận khen thưởng vì đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng. Năm 2014, Vườn sẽ tiếp tục giao khoán 10.000 ha rừng cho các hộ, đơn vị tập thể tham gia quản lí bảo vệ rừng, từng bước tiến đến xã hội hóa nghề rừng. Trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2013, VQG Bạch Mã đã tiến hành giao khoán hơn 1.867 ha rừng thuộc lưu vực thủy điện Sông Kôn II cho sáu nhóm hộ (gồm 61 hộ gia đình) tại thôn BaZĩ, xã Ating, Quảng Nam quản lí, bảo vệ. Trong năm 2014, VQG Bạch Mã sẽ tăng cường công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng kết hợp với tuần tra, giám sát thực hiện, ghi chép và đóng bảng niêm yết thông tin để giúp phân biệt khu vực giao khoán của từng nhóm hộ. Dự kiến diện tích được giao khoán là hơn 3.141 ha rừng thuộc các xã Ating, Sông Kôn và được phân cho 10 nhóm hộ (105 hộ gia đình) thuộc 4 xã huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam quản lí và bảo vệ.
Một trong những công tác được hội nghị đề cao trong công tác QLBVR là hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân thuộc vùng đệm của Vườn. Thực hiện Quyết định 24/2012/QĐ-TTg về đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 và quyết định 126/QĐ-TTg về chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng là hai nội dung nổi bật trong công tác này. Theo quyết định 24, trong năm 2013 Vườn đã tiến hành hỗ trợ sinh kế cho 25 thôn thuộc 15 xã, 3 huyện trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Với số tiền được hỗ trợ (40 triệu đồng/ thôn), bước đầu đã giúp người dân xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế (nuôi bò, lợn thịt, gà, cây ăn quả, trồng rau sạch) và xây dựng các công trình công cộng thôn bản (hệ thống nước sinh hoạt, hệ thống kênh mương thủy lợi, đường bê tông nông thôn, nhà họp thôn, nhà vệ sinh công cộng) góp phần nâng cao và ổn định đời sống người dân. Với quyết định 126, trong năm 2013 Vườn đã tiến hành triển khai thí điểm chia sẻ lợi ích trên địa bàn xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả bước đầu cho thấy, người dân đã được hưởng lợi từ việc khai thác các lâm sản ngoài gỗ (mây, măng, mật ong, nấm linh chi, ốc suối, heo rừng) và các mô hình sinh kế ( mô hình trồng chuối già lùn, nuôi lợn, gà, dê, cá nước ngọt...). Bà Hồ Thị Hòa – Phó chủ tịch UBND xã Thượng Nhật bày tỏ sự vui mừng khi địa phương được nhận nhiều sự quan tâm của Vườn trong năm 2013. Bà cũng hi vọng “trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của Vườn để xây dựng các hệ thống nước sinh hoạt cũng như các mô hình sinh kế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và tiến tới xây dựng xã Thượng Nhật thành xã nông thôn mới.”Trong năm 2014, Vườn sẽ tiếp tục lập kế hoạch để hỗ trợ và phát triển sinh kế cho người dân theo hai quyết định trên. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường vận động, kêu gọi người dân cam kết và đồng lòng trong bảo vệ rừng đặc dụng.
Cùng với những công tác trên, công tác giáo dục môi trường nâng cao nhận thức của người dân bằng việc tổ chức nhiều loại hình tuyên truyền khác nhau như tổ chức Câu lạc bộ Kiểm lâm tí hon, họp dân, hội diễn văn nghệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu để tuyên truyền và phổ biến pháp luật bảo vệ rừng cũng được chú trọng thực hiện trong năm 2014. Song song với những công tác này, công tác hợp tác quốc tế, thu hút các dự án đầu tư, phối kết thực hiện giám sát đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên là những vấn đề cấp bách và cần thiết mà hội nghị cũng đã nêu ra.
Kết thúc hội nghị, Ông Huỳnh Văn Kéo – Giám đốc VQG Bạch Mã bày tỏ mong muốn: “Cùng với những kế hoạch đã triển khai, kết hợp với sự đồng tình, ủng hộ, hợp lực của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương và người dân sẽ góp phần bảo vệ “tận gốc, tận ngọn” tài nguyên rừng Bạch Mã – dãy hành lang xanh tự nhiên duy nhất còn lại của Việt Nam.”
                                      Phan Hương