6a9daad2 Hội thảo nâng cao nhận thức về bảo tồn cây thuốc và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tài nguyên cây thuốc
5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Hội thảo nâng cao nhận thức về bảo tồn cây thuốc và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tài nguyên cây thuốc

Bạch Mã là phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi cao chia cắt và thấp dần ra biển, là nơi chuyển tiếp của hai luồng khí hậu Bắc và Nam, hệ động thực vật khu vực Bạch Mã rất đa dạng và phong phú
;

 

      Bạch Mã là phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi cao chia cắt và thấp dần ra biển, là nơi chuyển tiếp của hai luồng khí hậu Bắc và Nam, hệ động thực vật khu vực Bạch Mã rất đa dạng và phong phú. Schmid (1989) đã coi Bạch Mã là một trong 9 vùng ở Đông Dương có giá trị đặc biệt về mặt thực vật. Theo thống kê của các nhà khoa học, hệ động vật Bạch Mã gồm 132 loài thú, 363 loài chim, 134 loài bò sát, lưỡng cư. Hệ thực vật cũng rất phong phú gồm 332 loài nấm thuộc 132 chi, 87 loài rêu, 1954 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 6 ngành thực vật trong đó có khoảng 585 loài cây thuốc thuộc 135 họ, 378 chi. 

     Sinh sống quanh khu vực vùng đệm Vườn Quốc Gia Bạch Mã có khoảng 62607 người thuộc 13 xã và 02 thị trấn thuộc 3 huyện của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Trong số, đó có khoảng 12285 người dân tộc thiểu số thuộc nhóm Catu, Vân kiều, Mường… Trong những năm gần đây, một số lượng lớn các loài cây thuốc thuộc khu vực Bạch Mã được khai thác bán ra thị trường. Do áp lực tăng dân số, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và áp lực của thị trường dẫn đến khai thác quá mức, một số loài đang đứng trước tình trạng mất nơi cư trú, khan hiếm hoặc đang bị đe doạ tuyệt chủng. Để tăng cường nhận thức của người dân về đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học khu vực Bạch Mã, trong khuôn khổ dự án hợp tác nghị định thư “Nghiên cứu, bảo tồn các loài cây thuốc có giá trị tại khu vực Vườn Quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế, Việt Nam” , Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã  tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, tài nguyên cây thuốc ở Bạch Mã” cho người dân đến từ các xã vùng đệm của VQG Bạch Mã.

        CN. Trần Thiện Ân tập huấn về đa dạng cây thuốc Bạch Mã cho người dân

     Thông qua hội thảo, người tham gia được cập nhật những thông tin về đa dạng sinh học và tầm quan trọng của đa dạng sinh học trên thế giới, ở Việt Nam và khu vực Trung Trường Sơn. Từ những số liệu, hình ảnh trực quan, sinh động được trình bày, qua trao đổi, thảo luận, người tham gia thấy được tiềm năng, thực trạng, cũng như những mối nguy cơ gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, người dân còn được tập huấn nhận diện về một số loại cây có giá trị về kinh tế, y học trong tự nhiên. Cũng trong hội thảo, CN Trần Thiện Ân – Trưởng phòng nghiên cứu khoa học của VQG Bạch Mã đã trình bày danh sách, cung cấp tài liệu hướng dẫn kĩ thuật trồng và nhận dạng hơn 30 loài cây thuốc quan trọng đang được sử dụng để chữa bệnh ở các cộng đồng vùng đệm của VQG Bạch Mã.

     Hội thảo về bảo tồn và sử dụng bền vững cây thuốc không chỉ nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ và sử dụng đa dạng sinh học bền vững, mà còn giúp người dân nhận biết được đặc tính, công dụng của một số cây thuốc trong tự nhiên, từ đó phục vụ cho việc chữa bệnh và tạo thu nhập cho các hộ gia đình vùng đệm VQG Bạch Mã thông qua việc trồng các loại cây thuốc. Quan trọng hơn, hội thảo là cầu nối nhằm gắn kết các nhà khoa học và người dân trong việc phát hiện, nghiên cứu và tìm ra giá trị, công năng của các loại cây thuốc trong tự nhiên. Từ đó, tiến tới nâng cao và cải thiện cuộc sống của con người.

      Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục xây dựng mô hình vườn cây thuốc đa dạng về thành phần loài, có giá trị kinh tế nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển sinh kế cho người dân thông qua việc nhân rộng mô hình trồng các loại cây có giá trị tại các cộng đồng vùng đệm VQG Bạch Mã.

                                                                    Phan Hương - VQG Bạch Mã