“Bạch Mã chốn thiên thai, Bạch Mã chốn bồng lai”…
Ngân nga những câu hát vốn đã thuộc nằm lòng này, tôi mới thấy thời gian trôi thật nhanh, mới đấy mà đã ba năm kể từ ngày tôi gắn bó với Vườn quốc gia Bạch Mã. Ngày bắt đầu công việc với bao bỡ ngỡ, lo lắng thế mà giờ đây, trải qua sương gió của núi rừng tôi đã thấy mình cứng cáp hơn hẳn, từ một chàng thư sinh non trẻ ngày nào giờ đã trở thành một người con của núi rừng – gai góc và từng trải hơn.
Đối với anh em chúng tôi mỗi chuyến đi rừng là một kỷ niệm không thể nào quên. Theo năm tháng, những kỉ niệm ấy mỗi lúc lại được đong đầy và nếu có thể viết ra thì đó có thể là một cuốn nhật kí hành trình dài đầy những niềm vui, nỗi buồn, và cả những khó khăn, thử thách nữa.
Vượt sông mùa lũ
Tôi còn nhớ những chuyến đi rừng mà anh em chúng tôi phải vượt qua con suối dữ, trèo lên con thác cao, bơi dưới vực sâu, có những lúc chỉ cần sơ xẩy một bước chân thì chẳng biết chuyện gì xảy ra. Lịch trình đi tuần tra, kiểm soát rừng của chúng tôi mỗi tháng từ hai đến ba lần. Có những chuyến đi kéo dài suốt tám đến mười ngày mới ngưng nghỉ. Mỗi chuyến hành quân lâu ngày như thế, chúng tôi phải trang bị rất nhiều thứ: từ thức ăn, vật dụng sinh hoạt, vật dụng đóng trại đến các thiết bị để làm việc trong rừng. Nhiều lúc vì nhiệm vụ đột xuất, cấp bách nên việc mang thức ăn thiếu thứ này, thứ nọ là chuyện như cơm bữa. Có những hôm thiếu muối, thức ăn nấu ra nhạt nhẽo rất khó nuốt nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ ăn. Lại có những bữa thức ăn chỉ là một vài con cá khô còn sót lại của chuyến hành quân dài ngày nhưng chúng tôi vẫn sẻ chia với nhau trong không khí rộn rã tiếng cười . Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn như thế chúng tôi vẫn luôn cố gắng bám trụ tại rừng cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bữa ăn vội trong rừng
Hành quân, tuần tra qua những vùng rừng núi rậm rạp, hiểm trở, đầy dốc, vực và cả thác nước nên việc bị trầy xướt, trượt chân té ngã, bị thương là điều không thể tránh khỏi. Đôi khi chúng tôi còn phải đối mặt với những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Nhưng vì tình yêu với rừng, với nghề anh em chúng tôi luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Đọc những tin trên báo đài viết về Kiểm lâm bắt tay với lâm tặc, Kiểm lâm phá rừng mà lòng chúng tôi không khỏi xót xa. Đó phải chăng chỉ là một số thành phần tha hóa biến chất, là “con sâu làm rầu nồi canh” đang làm lu mờ đi giá trị hai tiếng “Kiểm lâm” mà chúng tôi đang ra sức giữ gìn. Đối với anh em chúng tôi, nhiệm vụ bảo vệ rừng luôn là điều thiêng liêng cao cả. Chúng tôi luôn nhớ câu dặn của đồng chí Hạt trưởng “dù đi đâu, dù làm gì cũng phải giữ vững phẩm chất của người kiểm lâm Bạch Mã”. Những phẩm chất được minh chứng qua thành quả chúng tôi đã gìn giữ và xây đắp đến hôm nay. Mỗi chuyến tuần rừng bắt gặp tiếng đàn vượn gọi nhau, tiếng chim đua nhau khoe tiếng hót ... chúng tôi cũng thấy tiếng lòng mình không khỏi vui mừng.
Thế là mùa đông cũng đã đến và mùa mưa lại bắt đầu – mưa lạnh và dai dẳng hơn. Đặc trưng thời tiết của vùng rừng núi được người ta ví von như “túi mưa” này lại khiến mọi con đường vào rừng càng trở nên trơn trượt, con suối nước cũng lớn và lạnh buốt hơn. Nhưng cuộc chiến bảo vệ rừng vẫn tiếp diễn với chúng tôi. Những ai đã trãi qua những hoàn cảnh như chúng tôi mới thấu hiểu hết những nỗi vất vả của anh em Kiểm lâm. Hôm nay đất nước bình yên nhưng vẫn còn những người lính thầm lặng như chúng tôi, thầm lặng bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng nhiệm vụ bảo vệ rừng là phải thường xuyên, không ngại mưa ngại gió. Chỉ cần lơ là một giây phút thì một cây rừng, một con thú có thể đã nằm trong tay lâm tặc… Nhưng để giữ gìn sự bình yên cho những cánh rừng cũng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội để những cánh rừng xanh tươi không còn nằm trong ký ức, để những người lính không còn cô đơn giữa đại ngàn…
.
Nguyễn Thanh Quang
Trạm Hương Lộc,VQG Bạch Mã