Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ Về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ; ngày 2/8/2024 và 9/8/2024 Vườn quốc gia Bạch Mã đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Phú Lộc và Nam Đông, nêu ra những mặt đã làm được và những khó khăn vướng mắc cần giải quyết.
Năm 2024, VQG Bạch Mã đã ký kết Thỏa thuận tham gia hoạt động bảo vệ rừng với 32 cộng đồng dân cư và 10 UBND xã, thị trấn trên địa bàn 02 huyện Phú Lộc và Nam Đông (huyện Phú Lộc gồm 13 cộng đồng và 05 UBND xã, huyện Nam Đông gồm 19 cộng đồng và 05 UBND xã). Tham dự Hội nghị về phía Vườn quốc gia Bạch Mã có đại diện Ban giám đốc Vườn; về phía địa phương có đại diện lãnh đạo UBND các xã và đại diện các nhóm hộ tham gia bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện giảm phát thải tại địa bàn huyện Phú Lộc
Ông Lê Doãn Anh, Phó giám đốc VQG Bạch Mã phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện giảm phát thải tại địa bàn huyện Nam Đông
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, Cộng đồng nhận khoán đã tiến hành 277 đợt tuần tra kiểm soát tại rừng (trong đó: 102 đợt tự thực hiện, 175 đợt phối hợp với các Trạm Kiểm lâm cơ sở), quá trình tuần tra, các cộng đồng đã tuyên truyền và yêu cầu ra khỏi rừng 06 người đi làm cá, 05 người đi lấy mật ong; phát hiện và tháo dỡ 06 lán trại, 89 bẫy kẹp, 60 bẫy dây cũ, 71 dây bẫy đang hoạt động (toàn bộ số bẫy đã bàn giao cho các Trạm Kiểm lâm để xử lý). Ngoài ra, các các cộng đồng còn phối hợp với các Trạm Kiểm lâm thực hiện 09 đợt tuyên truyền pháp luật Lâm nghiệp về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và PCCCR trên địa bàn. Tất cả các cộng đồng đều thực hiện tốt công tác phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR và tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao; Các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế được triển khai thực hiện như hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, đường giao thông, sửa chữa nhà văn hóa và các công trình khác, nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính hỗ trợ cho các cộng đồng tiếp giáp với Vườn tuy không lớn nhưng đã giúp các cộng đồng có nguồn lực thực hiện các công trình công cộng, mô hình sinh kế, tạo công ăn việc làm cho người dân từ đó giảm tác động đến tài nguyên rừng. Hoạt động này đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp một phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân vùng đệm với Vườn quốc gia Bạch Mã. Tuy nhiên các Cộng đồng tiếp giáp với Vườn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí của các cộng đồng khác nhau nên việc lập kế hoạch và hoàn thiện kế hoạch thường chậm trễ, việc lập chứng từ, ghi chép sổ sách của các cộng đồng nhận khoán còn gặp nhiều khó khăn.
Lễ ký quy chế phối hợp trong công tác QLBVR – PCCCR giữa Vườn và UBND các xã huyện Phú Lộc
Lễ ký quy chế phối hợp trong công tác QLBVR – PCCCR giữa Vườn và UBND các xã huyện Nam Đông
Cũng tại Hội nghị này, VQG Bạch Mã đã tiến hành ký Quy chế phối hợp với UBND các xã ( Phú Lộc 5 xã, Nam Đông 5 xã ) trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Nội dung phối hợp trao đổi thông tin; phối hợp thực hiện các biện pháp tuần tra canh gác, kiểm soát người và phương tiện ra vào địa phận VQG Bạch Mã; phối hợp tham mưu tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng – PCCCR và bảo tồn đa dạng sinh học một cách sâu rộng; sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng cứu khi có cháy rừng lớn xảy ra hoặc ngăn chặn kịp thời các hành vi khác xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn Vườn quản lý…. Ngoài ra, Quy chế phối hợp cũng nêu rõ định kỳ vào tháng 12 hàng năm, tổ chức giao ban giữa các đơn vị, hoặc giao ban đột xuất tùy theo tình hình thực tế trên địa bàn nhằm đánh giá kết quả ưu, khuyết điểm trong công tác phối hợp, những khó khăn, vướng mắc để từ đó có biện pháp khắc phục cho hoạt động phối hợp có hiệu quả tốt hơn.
Hy vọng sau một thời gian thực hiện Quy chế phối hợp, rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn Vườn sẽ giảm đáng kể, an ninh rừng được giữ vững.
Kiều Ninh – Minh Tâm