Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập theo Quyết định số 214/CT ngày 15/7/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) với diện tích 22.031 ha. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ về diện tích và công tác bảo tồn là không có ranh giới nên sự chia cắt về mặt hành chính đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ sinh cảnh sống của các loài thú lớn như Voi, Hổ, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Sao La,… Vì vậy, được sự đồng ý của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 01/QĐ -TTg ngày 02/01/2008 về việc điều chỉnh mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã lên diện tích 37.487ha. Hiện nay, sau khi điều chỉnh mở rộng Vườn nằm trên địa bàn hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Trong quá trình xây dựng và phát triển, cán bộ viên chức của Vườn luôn khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã được Đảng và Nhà nước giao. Trong suốt 33 năm qua, lực lượng Kiểm lâm Vườn đã tổ chức hơn 44.400 lượt tuần tra kiểm soát thường xuyên, hơn 6.100 đợt tuần tra kiểm soát tại rừng, bình quân mỗi đợt 4 - 5 ngày và hơn 250 đợt truy quét liên ngành có sự phối hợp với lực lượng công an, bộ đội và Kiểm lâm sở tại, Kiểm lâm vùng. Các khu vực trước đây được xem như điểm nóng, trọng điểm thường xuyên bị lâm tặc tấn công, tàn phá như Truồi, Bạch Mã, Đầm Hương (Phú Lộc), Hương Phú, Hương Lộc (Nam Đông), Sông Kôn (Đông Giang) đến nay tình hình đã được ngăn chặn và chấm dứt hẳn.
Đại diện sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa chúc mừng
Công tác nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng, góp phần cho sự nghiệp bảo tồn, qua nghiên cứu sẽ xác định chính xác được các mục tiêu bảo tồn và định hướng phát triển Vườn. Lực lượng cán bộ khoa học Vườn không ngừng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ chung của đơn vị. Ba mươi ba năm qua, được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Vườn đã thực hiện nhiều đề tài cấp Bộ và cơ sở. Trong công tác hợp tác quốc tế, Vườn đã từng bước nâng cao được vị thế, uy tín và năng lực đối tác của mình đối với các tổ chức quốc tế như: WWF, UNDP, DED, SNV, Birdlife, Tropenbos,.. Thông qua các dự án này đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ Vườn về Đa dạng sinh học, nghiên cứu hiện trường, thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, góp phần nâng cao nhận thức và cải thiện kinh tế của cộng đồng vùng đệm.
Ông Huỳnh Văn Kéo, nguyên Giám đốc VQG Bạch Mã chia sẻ, ôn lại những truyền thống vẻ vang của Vườn
Hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức về bảo tồn, đa dạng sinh học và bảo vệ rừng luôn được Vườn quan tâm, chú trọng và triển khai thực hiện. Vườn đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như tuyên truyền lưu động, tổ chức phát thanh phổ biến pháp luật Lâm nghiệp trên đài phát thanh huyện và xã, tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Chung tay bảo vệ rừng xanh Bạch Mã”, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về rừng và ĐVHD tại một số trường học trên địa bàn hai huyện Phú Lộc và Nam Đông với hàng ngàn lượt các em học sinh tham gia, duy trì hoạt động của 07 Câu lạc bộ kiểm lâm viên nhí, định kỳ sinh hoạt khoảng 5 lần/CLB/năm, tổ chức các đợt diễu hành cổ động và đạp xe vì môi trường,…. Vườn đặc biệt chú trọng truyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho nhân dân ở vùng đệm thông qua việc tổ chức tuyên truyền tại nhà các đối tượng chuyên tác động đến rừng, đối thoại và tuyên truyền để mọi người hiểu và giảm tác động đến rừng.
Bên cạnh các hoạt động giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, Vườn Quốc Gia Bạch Mã còn rất chú trọng đến công tác phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương vùng đệm. Thông qua sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như SNV, UNDP, WWF, DED, GIZ , JICA, ADB, WB, Tropenbos, Năng lượng Đức … Vườn Quốc Gia Bạch Mã đã thực hiện thành công rất nhiều dự án nhỏ để cải thiện sinh kế cho người dân, một số mô hình như trồng tre lấy măng, nuôi dê, nuôi lợn nái, nuôi cá nước ngọt, biogas sử dụng khí sinh học, hệ thống nước tự chảy…đã được người dân ưa thích và đem lại hiệu quả kinh tế.
Đi bộ vì sức khỏe cộng đồng và bảo tồn động vật hoang dã
Đặc biệt, kỷ niệm 33 năm thành lập Vườn năm nay, Vườn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức “đi bộ vì sức khỏe cộng đồng và bảo tồn động vật hoang dã” thu hút nhiều cán bộ viên chức của Vườn và các cá nhân, tổ chức khác tham gia, đi bộ để tuyên truyền mọi người dân cùng chung sức bảo vệ rừng và bảo tồn ĐVHĐ; tổ chức cho các cán bộ viên chức tham gia giải cầu lông với phương châm “khỏe để bảo vệ rừng”.
Khỏe để bảo vệ rừng
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã trao giải cho các cá nhân, đơn vị đạt giải đi bộ vì cộng đồng và bảo tồn ĐVHD
Trải qua ba mươi ba năm hình thành và phát triển, mặc dù đã có những khó khăn nhất định, trong đó có những nguyên nhân khách quan đồng thời cũng có những nguyên nhân chủ quan, nhưng toàn thể cán bộ viên chức của Vườn đã chung sức đồng lòng, vượt qua những khó khăn thực hiện hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa vườn Bạch Mã ngày càng phát triển, xứng tầm với các Vườn khác trong khu vực.
Kiều Ninh – Minh Tâm