Ngày 05/01/2023, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã tổ chức Hội nghị công chức, viên chức, người lao động và tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Vũ Linh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VQG Bạch Mã, các đồng chí trong Ban giám đốc và các cán bộ viên chức của Vườn.
Ông Nguyễn Vũ Linh,, Giám đốc Vườn phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Năm 2023, Vườn đã tổ chức được 473 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn toàn Vườn, bình quân mỗi đợt từ 4-5 ngày; tổ chức 5.400 lượt tuần tra kiểm soát thường xuyên tại các vị trí cửa rừng và các khu vực xung yếu. Tổ chức chốt chặn tại các cửa rừng xung yếu như chốt chặn ngã ba khe Trường, khe Lồ Ô, Chốt đường La Sơn - Tuý Loan (Trạm Cơ động, Hương Lộc, Mỏ Rang), Chốt Tà Rày, Chà Măng (Thượng Nhật), Chốt Thác Trượt (Hương Phú) …vv. Vườn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp theo Quy chế đã ký kết với UBND các xã vùng đệm, các Hạt Kiểm lâm, Công an huyện đóng trên địa bàn. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Công an huyện/xã, kiểm lâm huyện trong điều tra, xử lý các vụ vi phạm do Hạt Kiểm lâm Vườn chuyển giao rất hiệu quả.
Việc thực hiện đồng bộ giữa tuần tra và chốt chặn đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Nhờ đó công tác quản lý bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực, an ninh rừng được giữ vững.
Năm 2023, Vườn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khoa học trên cơ sở Hoàn thành đề tài tiềm năng cấp Bộ “Nghiên cứu phát triển một số loài cây thuốc có giá trị tại VQG Bạch Mã theo hướng sản xuất hàng hóa”; Hoàn thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Ứng dụng kỹ thuật theo dõi bằng sóng vô tuyến (Radio-tracking) và tri thức sinh thái bản địa trong nghiên cứu sinh thái học của loài Rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) tại Vườn quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế”; Thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra của Chương trình Bảo tàng tài nguyên rừng năm 2023.
Công tác cứu hộ được quan tâm đẩy mạnh. Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc, tái thả 106 cá thể thuộc 14 loài. Trong đó 105/106 cá thể được tái thả về với môi trường tự nhiên, 01 cá thể Rùa hộp trán vàng miền trung đang chăm sóc nuôi dưỡng chờ cơ quan chức năng xử lý; Tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên 08 cá thể gà Lôi trắng và 02 cá thể Công má vàng; Lập hồ sơ đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục Cites; Tiếp tục chăm sóc, vệ sinh vườn sưu tập các loài Lan, chăm sóc vườn ươm các loài Lôi khoai, Lim xanh, Huỷnh, Trám trắng, Sến mũ, Sến trung... thu hái, gieo trồng vào bầu 7.000 cây giống bản địa tại vườn ươm như cây Gừng đen, Thiên niên kiện, Sến mủ, Sến trung, Lim lá thắm, Chò...
Hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và phát triển nâng cao đời sống của người dân vùng đệm là nhiệm vụ trọng tâm của Vườn. Trong năm 2023, Vườn đã xây dựng nội dung, thu âm và tiến hành phát thanh tuyên truyền 800 lượt phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng (BVR), chống chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và một số Điều của nghị định 35/ND-CP của Chính phủ phát trên đài phát thanh của các xã huyện Nam Đông và UBND xã Lộc Hòa huyện Phú Lộc; Tổ chức 20 đợt tuyên truyền lưu động về BVR, PCCCR và vận động người dân tham gia bảo vệ các loài rùa và động vật hoang dã (ĐVHD); Xây dựng nội dung và đóng 40 bảng biểu tuyên truyền BVR, PCCCR và bảo vệ ĐVHD; Cập nhật thông tin, xây dựng 24 bản tin, bài đăng trên trang website của Vườn và Tổng cục Lâm Nghiệp; Tổ chức 01 cuộc Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác sinh hoạt Câu lạc bộ kiểm lâm viên (CLBKLV) Nhí tại Vườn”; Phối hợp với tổ chức WWF Việt Nam, Ban quản lý dự án VFBC tỉnh Thừa Thiên Huế (hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học) tổ chức giải “Chạy bộ để bảo tồn động, thực vật hoang dã”; Phối hợp với UBND huyện Phú Lộc tổ chức trại sáng tác âm nhạc với chủ đề “Non thiêng Bạch Mã” tại đỉnh Bạch Mã và cùng với hội âm nhạc tỉnh Thừa Thiên Huế hòa âm phối khí và cho ra mắt 10 ca khúc sáng tác về Bạch Mã nhằm phục vụ công tác tuyên truyền qua âm nhạc; Tổ chức 05 đêm văn nghệ với chủ đề “chung tay BVR, PCCCR và bảo vệ ĐVHD”; Tổ chức 21 đợt sinh hoạt CLBKLV Nhí và 03 cuộc thi tìm hiểu về rừng và ĐVHD cho các em học sinh thuộc 07 CLBKLV Nhí trên địa bàn 02 huyện Nam Đông và Phú Lộc theo hình thức rung chuông vàng kết hợp vẽ tranh; tổ chức tuyên truyền tận nhà và ký cam kết cho hơn 60 đối tượng thường xuyên tác động đến tài nguyên rừng của Vườn.
Đại diện các đơn vị đạt danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến năm 2023"
Đại diện các cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến năm 2023”
Đại diện các Nhóm hộ có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng năm 2023
Lãnh đạo Vườn tặng giấy khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Công sở Xanh – Sạch - Sáng năm 2023
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã đã ghi nhận kết quả đạt được của toàn đơn vị trong năm 2023. Vườn tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các phòng ban và trạm kiểm lâm cơ sở cần xây dựng chương trình hành động ngay từ đầu năm để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị ban ngành trên địa bàn để làm tốt công tác quản lý BVR và PCCCR.
Các phòng ban ký giao ước thi đua năm 2024
Kết quả năm 2023, đơn vị đã công nhận 11 tập thể lao động tiên tiến, 125 cá nhân lao động tiên tiến, khen thưởng 04 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Công sở xanh -sạch- sáng, khen thưởng 04 tập thể và 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Quy chế phối hợp giữa Vườn quốc gia Bạch Mã với Công an huyện Nam Đông; trình Cục Kiểm lâm công nhận 10 tập thể lao động xuất sắc, 12 cá nhân chiến sĩ thi đua cơ sở, 05 tập thể và 09 cá nhân đề nghị Cục Kiểm lâm tặng giấy khen
Kiều Ninh – Minh Tâm