Ngày 31/12/2021, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã tổ chức Hội nghị công chức, viên chức, người lao động và tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Vũ Linh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VQG Bạch Mã, các đồng chí trong Ban giám đốc và các cán bộ viên chức của Vườn. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Văn phòng Vườn và 11 điểm cầu là các trạm kiểm lâm cơ sở.
Năm 2021, tình hình dịch bênh Covid diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động của đơn vị. Ngoài ra, thời tiết khô hạn kéo dài, mùa Ươi nở rộ, thiếu việc làm cho thanh niên ở vùng đệm, … đã gây áp lực đến Vườn rất lớn; các tuyến đường dân sinh tiếp giáp đến rừng; tuyến đường HCM đoạn La Sơn-Túy Loan cắt qua Vườn đã tạo điều kiện xâm nhập trái phép dễ dàng; gây khó khăn và mất nhiều lực lượng chốt chặn và tuần tra ngăn chặn. Vườn dã tập trung mọi nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát Đa dạng sinh học (SMART Mobile), theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (QGIS), tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tuyên truyền, xủ lý vụ việc,...nên đơn vị đã hạn chế tối đa ảnh hưởng đến rừng.
Ông Nguyễn Vũ Linh,, Giám đốc Vườn phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Năm 2021, Vườn đã tổ chức được 490 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng với tổng số 1.881 ngày (tăng 11% so với số đợt tuần tra kiểm soát tại rừng năm 2020); tăng cường chốt chặn, kiểm tra vận chuyển lâm sản bằng đường sông và đường bộ tại các địa bàn xã Thượng Lộ, Thượng Nhật, Hương Lộc (Nam Đông, Thừa Thiên Huế), Ating, Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam).Việc thực hiện đồng bộ giữa truy quét và chốt chặn đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý của Vườn, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Nhờ đó công tác quản lý bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực, an ninh rừng được giữ vững. Đặc biệt trong năm 2021, Vườn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp theo Quy chế đã ký kết với UBND các xã vùng đệm, các Hạt kiểm lâm, Công an và Ban chỉ huy Quân sự huyện đóng trên địa bàn. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Công an huyện, kiểm lâm huyện trong điều tra, xử lý các vụ vi phạm do Hạt Kiểm lâm Vườn chuyển giao rất hiệu quả. Kết quả số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ngày càng giảm so với các năm trước, chất lượng hoạt động tuần tra kiểm soát tại rừng, giám sát đa dạng dinh học và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng được nâng lên một cách rõ rệt.
Năm 2021, Vườn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên cơ sở các nhiệm vụ thuộc chương trình Bảo tàng tài nguyên rừng. Vườn đã và đang thực hiện đề tài tiềm năng cấp bộ “Nghiên cứu phát triển một số loài cây thuốc có giá trị tại VQG Bạch Mã theo hướng sản xuất hàng hóa”. Vườn đã hoàn thành việc thí nghiệm nhân giống bằng hom và bằng hạt của 2 loài cây thuốc Sâm xuyên đá và Sâm Bồng bồng và trồng thực nghiệm mô hình (với tổng 3000 cá thể; 1500 cá thể/loài) ở 02 mô hình trồng dưới tán rừng và mô hình trồng trên đất trống. Ngoài ra, Vườn đang triển khai thực hiện một số đề xuất KH&CN cơ sở năm 2021 như: áp dụng Radio Tracking khảo sát vùng sống và vùng tái thả an toàn loài rùa hộp trán vàng miền trung (Cuora bourreti); nghiên cứu sử dụng mã QR cung cấp thông tin du lịch; kết hợp thiết bị cảm biến âm thanh và SMART Connect để phục vụ công tác bảo vệ rừng tại VQG Bạch Mã. Các đề xuất đang triển khai áp dung, dự kiến đánh giá kết quả vào năm 2022.
Công tác cứu hộ và phát triển sinh vật được quan tâm đẩy mạnh. Vườn đã tiếp nhận, chăm sóc và tái thả 136 cá thể (tăng 30 cá thể so 2020) thuộc 10 loài (tăng 03 loài so với 2020) vào rừng tự nhiên. Công tác sưu tập, bảo tồn và phát triển sinh vật đạt kết quả khả quan. Tính đến nay, Vườn tiếp tục chăm sóc 63 loài Lan được sưu với gần 650 cá thể phục vụ nghiên cứu, trưng bày; phát triển vườn ươm cây bản địa, cảnh quan góp phần trồng rừng, phát triển rừng và trồng cảnh quan phục vụ nhu cầu thị trường với một số loài chủ yếu như Lim xanh, Chò, Trám, Lôi khoai, Huỷnh, Kim giao, ...
Hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và phát triển nâng cao đời sống của người dân vùng đệm là nhiệm vụ trọng tâm của Vườn. Trong năm 2021, Vườn đã xây dựng chương trình truyền thanh tuyên truyền bảo vệ chống chặt phá cây Ươi và PCCCR để phát trên đài phát thanh huyện Nam Đông, Phú Lộc (195 lượt, trong đó xã Lộc Hòa 60 lượt, huyện Nam Đông 135 lượt); Tổ chức 07 đợt tuyên truyền lưu động BVR và; xây dựng hệ thống bảng biểu tuyên truyền bảo vệ rừng; cập nhật thông tin, xây dựng 20 bài ở Website của Vườn, 05 bài ở trang thông tin điện tử của TCLN và 01 bài đăng trên báo Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, các trạm Kiểm lâm đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVR, phát triển hệ thống tin báo, tổ chức họp thôn để tuyên truyền và triển khai các mô hình phát triển vùng đệm theo Quyết định 24 . Bên cạnh đó, Vườn tiếp tục duy trì hoạt động 5 CLB Kiểm lâm viên nhí; tổ chức 01 đợt trải nghiệm cho CLB trường tiểu học số 1 Lộc Trì; xây dựng đoạn phim ngắn truyền thông công tác cứu hộ động vật hoang dã; xây dựng thư viện hoang dã tại trường THCS Lộc Trì và trường tiểu học Thị trấn Phú Lộc 1; phối hợp với tổ chức WWF khảo sát, đánh giá thực trạng công tác quản lý và vận hành các nhóm Bảo tồn cộng đồng đã được thành lập để xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm tới
Các phòng ban, đơn vị ký giao ước thi đua năm 2022
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã đã ghi nhận kết quả đạt được của toàn đơn vị trong năm 2021. Tuy nhiên các phòng ban, trạm kiểm lâm cơ sở cần xây dựng chương trình hành động ngay từ đầu năm để thực hiện có hiệu quả, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các đơn vị ban ngành trên địa bàn để làm tốt công tác quản lý BVR và PCCCR.
Kết quả năm 2021, Vườn có 16 tập thể tập thể lao động tiên tiến, 100 cá nhân lao động tiên tiến. Vườn đang trình Tổng cục Lâm nghiệp xét công nhận 15 chiến sĩ thi đua cơ sở và tặng giấy khen cho 06 cá nhân, 11 tập thể; đề nghị Bộ NN &PTNT tặng Bằng khen cho 02 cá nhân.
Kiều Ninh – Minh Tâm