6a9daad2 Phát triển du lịch Bạch Mã: Chú trọng về chất và gắn với bảo tồn thiên nhiên
5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Phát triển du lịch Bạch Mã: Chú trọng về chất và gắn với bảo tồn thiên nhiên

Bạch Mã là một khu rừng tự nhiên còn hoang sơ với khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp và hệ động thực vật phong phú .... không chỉ có giá trị lớn về bảo tồn, nghiên cứu khoa học mà còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái (DLST). Ts. Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã cho biết: Nhận thức rõ giá trị trân quý của Bạch Mã nên thời gian qua, cùng với thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, bảo vệ, VQG Bạch Mã đã phát triển du lịch theo hướng chú trọng chất lượng và đặt bảo tồn thiên nhiên lên hàng đầu.

 VQG Bạch Mã là một trong 6 vườn quốc gia thuộc Trung ương quản lý với diện tích 37.487 ha thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Là trung tâm của dải rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam nối liền từ biển Đông đến biên giới Việt-Lào, VQG Bạch Mã còn là điểm giao thoa giữa hai vùng khí hậu Bắc – Nam, biến thiên địa hình từ đai thấp lên đến 1.712 m  nên có tính đa dạng sinh học rất cao. Từ khi thành lập (1991) đến nay, VQG Bạch Mã đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ, bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này. Ban quản lý đã chú trọng thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân tại khu vực vùng đệm và khách tham quan; đẩy mạnh ứng dụng công cụ SMART Mobile trong tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bảo vệ tài nguyên và phát triển sinh kế cho người dân sống tại khu vực vùng đệm...

Những năm đầu thế kỷ XXI, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép một số tổ chức, doanh nghiệp cải tạo các khu biệt thự cũ (người Pháp để lại) và đầu tư một số công trình để phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng nhưng do nhiều nguyên nhân nên chưa mang lại hiệu quả cao. Năm 2016, với sự thống nhất chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khảo sát, quy hoạch phát triển DLST với sự tham gia bởi một số đơn vị tư vấn nước ngoài. Quy hoạch đã đề xuất sẽ phát triển 7 phân khu du lịch ở 300 ha khu vực đỉnh núi Bạch Mã và khoảng gần 100 ha ở khu vực chân núi làm nơi tiếp đón du khách, các dịch vụ và nhà ga cáp treo dài 4 km. Theo đó, dự kiến Bạch Mã sẽ đón khoảng 500.000 khách/năm trong giai đoạn 2020 - 2030 và 1 triệu khách/năm vào năm 2030. Tuy nhiên, khi bản quy hoạch được trưng cầu ý kiến tại Hội thảo khoa học vào tháng 10/2018 đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau: Giới hoạt động du lịch mong mỏi khu du lịch sớm ra đời để có một sản phẩm đẳng cấp cho du lịch Huế; giới quy hoạch, kiến trúc góp ý về kiến trúc công trình, mật độ xây dựng, cáp treo; còn giới bảo tồn thiên nhiên lại băn khoăn về sức chịu đựng của hệ sinh thái mong manh hạn hữu của núi rừng Bạch Mã ... Cho đến nay Quy hoạch vẫn chưa được phê duyệt và UBND tỉnh đang tiếp tục tìm kiếm phương án quy hoạch mới đáp ứng được tinh thần của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đối với Bạch Mã là: “Khai thác bền vững và có hiệu quả tiềm năng của Vườn quốc gia Bạch Mã theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với phát triển DLST”.

Qua đó có thể thấy việc phát triển du lịch tại Bạch Mã là cần thiết song phải quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Du lịch tại Bạch Mã cần phải theo đúng các tiêu chí và yêu cầu của một mô hình DLST đích thực; theo đó cần phải coi trọng “chất” hơn là “số lượng”; “chất” sản phẩm và “chất” du khách. Có thể so sánh đơn giản: Thay vì đón 10 khách với giá 200 ngàn đồng/người thì chúng ta chỉ cần đón 5 khách với giá 2 triệu đồng/người. Du lịch tại Bạch Mã phải làm sao để khách lên núi không chỉ hưởng thụ nhu cầu bình thường: Ngắm cảnh, ăn uống, ngủ nghỉ... mà còn hưởng thụ các nhu cầu “đẳng cấp” hơn, đó là trải nghiệm cuộc sống trong khu rừng rậm nhiệt đới "mưa nhiều nhất Việt Nam"; nghe chim hót, ngắm hoa nở và tận hưởng không khí của núi rừng nguyên sinh; lắng nghe hơi thở của mẹ thiên nhiên để soi lại bản thân mình....

 Vùng rừng núi Bạch Mã đã là vườn quốc gia với nhiệm vụ quan trọng mà Nhà nước giao phó là bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn một hệ sinh thái quý giá và các giá trị đa dạng sinh học mang tầm quốc tế.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung
Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững

Do đó, để phát triển DLST Bạch Mã chúng ta cần phải đặt ra vấn đề “chất” hơn là “số lượng”. Trước hết, việc xác định sức chứa về vật lý, sinh học, tâm lý ... của Bạch Mã là rất cần thiết – là xác định “ngưỡng” số lượng du khách tối đa cho phép mà khi vượt quá sẽ gây hậu quả đến tài nguyên, môi trường và các giá trị tâm linh của Bạch Mã. Điều này phải cần có một đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao để nghiên cứu, quyết định (một cách khách quan) số lượng du khách/ngày hoặc tháng/mùa/năm cho Bạch Mã và các loại hình sản phẩm theo sự phân vùng quy hoạch và đối tượng khách. Sau đó mới làm cơ sở để quy hoạch không gian sử dụng cho Bạch Mã với diện tích, số lượng, loại hình phòng nghỉ, giao thông, cơ sở hạ tầng phù hợp, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững về kinh tế (có lợi ích), xã hội (công bằng) và môi trường (không bị phá vỡ).

Hiên nay UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 về việc điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch Phân khu xây dựng Khu DLST Bạch Mã, giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện. Đây là cơ hội rất tốt cho VQG Bạch Mã phối hợp để thống nhất ý tưởng quy hoạch khu đỉnh Bạch Mã nhằm đưa vào Kế hoạch phát triển DLST VQG Bạch Mã; lồng vào Phương án Quản lý rừng bền vững VQG Bạch Mã 2021-2030 để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt (dự kiến cuối năm 2020). Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới Luật, sau khi Phương án Quản lý rừng bền vững (QLRBV) được Bộ phê duyệt, VQG Bạch Mã có trách nhiệm xây dựng Đề án phát triển DLST trình phù hợp với Phương án QLRBV. Quá trình xây dựng Đề án DLST cần phải có sự tham vấn nhiều bên trước khi trình Bộ NN-PTNT phê duyệt (dự kiến 2021); sau đó VQG Bạch Mã thông báo rộng rãi để mời các cá nhân, tổ chức quan tâm xây dựng Dự án đầu tư ở các khu vực quy hoạch được phê duyệt theo phương thức hợp tác, liên kết hoặc thuê môi trường để kinh doanh dịch vụ DLST.

Như vậy, chúng ta vẫn đang cần những nhà tư vấn quy hoạch chuyên nghiệp để đóng góp vào việc xây dựng Kế hoạch, Đề án phát triển DLST ở VQG Bạch Mã giai đoạn 2021-2030 để làm nền tảng phát triển cho mô hình DLST đích thực ở Bạch Mã. Đồng thời, sau khi Đề án được Bộ NN-PTNT phê duyệt, chúng ta cũng mong chờ những nhà đầu tư  đủ tiềm lực kinh tế, chuyên môn quản lý DLST và quan trọng nhất là đủ “tâm lực” và sự hối thúc phải làm gì đó cho Bạch Mã vì một ngày mai xanh hơn.

                                                                                     Nguồn: Vietnam Business Forum