Càng đi sâu vào đại ngàn Bạch Mã càng như lạc vào khu vườn kỳ hoa dị thảo. Những hoa thơm cỏ lạ ấy không chỉ tạo phong cảnh độc đáo mà nhiều loài còn là vị thuốc quý hiếm.
Con đường dẫn lên đỉnh núi chạy giữa bốn bề rừng xanh điệp trùng. Ở đoạn cây số 14, tôi nhìn thấy một vạt rừng màu đỏ nổi bật lên giữa thảm xanh, vừa như màu hoa phượng vĩ lại vừa đỏ như lá phong.
Cây lá đỏ giữa vùng rừng thường xanh
TS Nguyễn Vũ Linh, giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã, cho xe dừng lại và giới thiệu: "Đó là cây lôi khoai. Màu đỏ lá cây nhưng nhìn xa cứ như màu hoa. Cây này có giá trị cảnh quan rất cao. Nếu trồng ở thành phố thì tạo ra một phong cảnh rất độc đáo".
Mùa hè 2020, tôi trở lại Bạch Mã thì nhìn thấy cây lôi khoai trong vườn thực nghiệm của VQG ở ngay cửa rừng dưới chân núi. Tán lá đỏ nổi bật giữa khu vườn xanh. TS Linh cho hay cây lôi khoai trên núi cao mát mẻ đã được đưa xuống thấp và thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng nắng mưa gay gắt. Lá vẫn đỏ rực vào độ đầu hè, từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
Cũng tán cây lá đỏ như thế nhưng là một loài cây khác, thường đỏ rực vào mùa xuân trên đỉnh núi Bạch Mã khiến du khách ngất ngây. Nhiều người nhầm tưởng đó là cây phong lá đỏ.
Cây phong chỉ mọc ở xứ ôn đới và đổi màu lá đỏ vào mùa thu. Còn loài cây này tên là thích bắc bộ (tên khoa học là Acer tonkinenis Lecomte, thuộc họ thích - Aceraceae), là cây gỗ cao 5-7m, hoa mọc thành chùm, quả có cánh, lá đổi màu đỏ rực vào mùa xuân. Ngọn lá đỏ ấy không chỉ tạo phong cảnh ngoạn mục mà còn là vị thuốc chữa bệnh dạ dày.
Hoa rừng - rừng hoa
Có thể nói Bạch Mã là một rừng hoa. Nhiều loài trong số 2.420 loài thực vật ở VQG này đều nở hoa và luân phiên cho hoa đẹp quanh năm. Các loài hoa thân mộc như lôi khoai, thích bắc bộ, ngô đồng đỏ thường nổi bật lên giữa rừng xanh với màu đỏ rực rỡ và thân cây vươn cao.
Các loài phong lan thì mang vẻ đẹp riêng, dù ở giữa đại ngàn thâm u vẫn kiêu sa, đài cát. Riêng những loài hoa thân thảo, cây bụi, dây leo thì mang vẻ đẹp hoang dại như những sơn nữ rừng xanh.
Theo hướng dẫn của trưởng Phòng khoa học và quan hệ quốc tế của VQG Bạch Mã - Trần Thiện Ân, tôi chỉ cần để mắt một chút bên đường là đã gặp ngay hoa rừng Bạch Mã. Từ lưng chừng núi đã bắt gặp những thảm vàng của hoa bướm bạc, loài dây leo có sức sống cực kỳ mạnh mẽ.
Cây diệp xoan có hoa vàng nở cả chuỗi như phong lan dù nó là một loài cây bụi. Đẹp nhất trong nhóm hoa vàng có lẽ là hoa vông vang. Hoa dại thường bông nhỏ, nhưng hoa vông vang bông to, cánh dày, màu vàng có chấm nâu ở giữa. Câu ca dao "đêm vông vang mặc áo vồng vàng" chính là loài hoa này đây.
Màu trắng có đủ các sắc độ trắng, gồm cả cây thân mộc, thân thảo, cây bụi, dây leo. Nổi bật nhất là màu trắng của hoa dẻ. Tháng 5 hoa dẻ nở trắng rừng Bạch Mã. Đứng trên Vọng Hải Đài nhìn về phía đỉnh núi Mang, thấy một màu trắng nhẹ như sương phủ khắp tán rừng.
Có hai thứ dây leo hoa trắng bông nhỏ, đến gần thì hiện ra những bông hoa đẹp như vẽ, đó là hai loại dây leo có tên ngồ ngộ là mắm nêm và dương đào.
Hoa màu trắng có lẽ chiếm số lượng đông nhất, làm nền cho các "sơn nữ" khoe sắc. Trong các "sơn nữ" Bạch Mã, tôi đặc biệt thích vẻ đẹp độc đáo của hoa ngọc nữ treo, riềng đẹp, rum thơm, khôi tía, viễn chí ba sừng...
Những cái tên nghe rất hoang dại nhưng sắc đẹp thì chinh phục ngay cả người khó tính. Và đặc biệt nhất trong rừng Bạch Mã chính là loài "thất diệp nhất hoa", dân gian gọi là cây "bảy lá một hoa". Một loài cây thân thảo, mọc lẩn khuất dưới tán rừng, rất khó tìm thấy, nhưng là cây thuốc cực kỳ quý hiếm.
Đây là loài cây quý hiếm đã đưa vào Sách đỏ VN.
Đó là mới nói đến hoa dại của Bạch Mã ít người biết đến. Còn họ phong lan với 193 loài cùng với họ đỗ quyên năm loài đặc sắc của Bạch Mã thì phải viết một cuốn sách ngàn trang mới tả hết.
Cây chổi sể trên đỉnh cao 1.712m
Từ tháng 1-2008, VQG Bạch Mã đã mở rộng diện tích sang phía Quảng Nam. Vì vậy, núi Mang là đỉnh cao nhất trong VQG Bạch Mã, 1.712m, nằm ở phía huyện Đông Giang (Quảng Nam), chứ không phải là đỉnh Bạch Mã với độ cao 1.450m như lâu nay mọi người vẫn biết.
Sau khi tiếp quản diện tích mở rộng, tháng 4-2008, một đoàn khảo sát của VQG đã tiếp cận khu rừng này.
"Đó là chuyến đi rừng không thể nào quên, thu nhận được nhiều thông tin khoa học quan trọng, đặc biệt là những phát hiện rất thú vị" - anh Trần Thiện Ân cho biết.
Sau một tuần cắt rừng, trèo núi, đoàn khảo sát lên đến đỉnh núi Mang. Đến một khu rừng có mặt bằng khá phẳng trên đỉnh, tất cả sững sờ khi nhìn thấy một rừng cổ thụ già nua, thân phủ đầy rêu. Đoàn người cùng reo lên sung sướng, không phải vì nó là thứ cây gỗ quý như gõ, kiền, lim, mà độc đáo ở chỗ là cây chổi sể.
Loài cây bụi thường mọc trên vùng gò đồi khô cằn mà người ta thường cắt về làm chổi quét nhà và gọi là chổi sể. Nó thường mọc chung với sim, mua, tràm, để làm nên bộ cây cảnh "tứ bần" (bốn loài cây nghèo). Vậy mà tại đây, nơi đỉnh cao 1.712m quanh năm mây phủ, sương giá lạnh buốt này, lại có loài chổi sể.
Nó chính là loài chổi sể Baeckea frutescens, họ sim (Myrtaceae), chỉ khác lạ là chổi sể trên núi Mang có chiều cao từ 3 - 7m với đường kính thân từ 30 - 40cm, dáng cổ thụ, thân phủ đầy rêu, tuổi đời phải hàng trăm năm.
Cũng tại khu rừng trên núi Mang này, đoàn khảo sát còn phát hiện sự có mặt của các loài hạt trần như thông Đà Lạt, pơmu, mà trước đó chỉ được xem là loài cây được di thực đến trồng trên đỉnh Bạch Mã chứ không phải là loài bản địa.
Anh Trần Thiện Ân nhấn mạnh: "Tìm thấy loài chổi sể cổ thụ, trên núi cao 1.712m là một phát hiện độc đáo và rất quan trọng. Nó đặt ra một câu hỏi ngược lại: phải chăng loài chổi sể vốn là loài thực vật phân bố trên đỉnh núi cao, sau đó di chuyển dần xuống vùng gò đồi?".
Câu hỏi thú vị này vẫn đang chờ các nhà khoa học tìm câu trả lời. Nhưng cây chổi sể cổ thụ núi Mang thì đã được khẳng định là một thứ kỳ hoa dị mộc của Bạch Mã...
Bạch Mã là nơi giao thoa của khí hậu hai miền Bắc và Nam, vì vậy cũng là nơi hội tụ các loài động thực vật của cả hai miền.
Đây là nơi cư trú của 2.420 loài thực vật và 1.715 loài động vật. Bạch Mã có 204 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, 74 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 20 loài trong Sách đỏ IUCN (Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên), cần phải bảo vệ.
Có 585 loài là cây thuốc, trong đó 27 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; 65 loài cây thuốc mới phát hiện, chưa có trong Từ điển cây thuốc VN.
(Nguồn: Vườn quốc gia Bạch Mã)
Kỳ tới: Rừng chim đặc biệt
Nguồn: Minh Tự - TTO