Vì vậy, được sự đồng ý của hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 01/QĐ -TTg ngày 02-01-2008 về việc điều chỉnh mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích là 37.487ha. Theo quy hoạch mở rộng, Vườn nằm trên địa bàn ranh giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích 34.380ha và Quảng Nam, có diện tích 3.107ha.
Vườn Quốc gia Bạch Mã từ lâu đã được ghi nhận là nơi có tính đa dạng sinh học cao do chỉ trong một diện tích không lớn nhưng đã chứa đựng nhiều kiểu sinh cảnh khác nhau, từ đầm phá ven biển đến rừng rậm, núi cao.Thêm vào đó Bạch Mã nằm ở vùng chuyển tiếp khí hậu giữa hai miền Bắc - Nam, là vùng ranh giới địa lý sinh vật giữa Bắc và Nam Việt Nam, và giữa dãy núi Trường Sơn và đồng bằng ven biển vì vậy khu hệ động thực vật ở đây rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê, cho đến nay người ta đã xác định ở Bạch Mã có khoảng 2.147 loài thực vật, trong số đó có 86 loài được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng (Nguyễn Nghĩa Thìn & Mai Văn Phô, 2003); khoảng 1.715 loài động vật bao gồm 132 loài thú (chiếm 1/2 số loài thú ở Việt Nam), 363 loài chim, 134 loài bò sát và loài ếch nhái, 57 loài cá (Lê Vũ Khôi và cộng sự, 2004). Riêng côn trùng đã phát hiện được 1.029 loài.
Hơn 20 năm thành lập và phát triển Vườn quốc gia Bạch Mã đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, phát triển và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của Vườn quốc gia, nghiên cứu khoa học kết hợp với mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học, học tập, tham quan du lịch. Với những thành tích đạt được, ngày 15/12/2011 Tập thể cán bộ CNV của Vườn đã được Thủ tướng Chính Phủ tặng “Huân chương Lao động Hạng nhất”. Đây là thành tích cao nhất mà hơn 20 năm toàn Vườn phấn đấu để đạt được.
Phan Kiều Ninh
Trung tâm GDMT&DV môi trường rừng