5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Nhân viên kiểm lâm hót được tiếng chim ở vườn quốc gia Bạch Mã

     Anh Trương Cảm, kiểm lâm viên ở Vườn quốc gia Bạch Mã cho hay nơi đây có hơn 358 loài chim thì anh "có thể nhái tiếng hót của hơn 100 loài".

     Nhà ở dưới chân núi Bạch Mã (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc), từ nhỏ anh Trương Cảm đã theo cha vào rừng và làm quen với tiếng chim hót. Hai bố con anh thường bẫy chim trĩ mang đi bán kiếm tiền mua gạo.

Anh Cảm nhái tiếng hót của loài chim khứu bạc má

Ảnh: Võ Thạnh     

     Một buổi chiều năm 1985, Trương Cảm bắt xe mang theo 2 con chim trĩ đi bán ở đường Hùng Vương trước Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế.

     Hai nhân viên kiểm lâm thấy anh Cảm bán chim trĩ sao quý hiếm đã đóng giả khách mua rồi lập biên bản đưa người bán về trụ sở. Tại trụ sở kiểm lâm, anh Cảm đã kể rành mạch về việc mình dùng dụng cụ gì để săn bắt chim trĩ ở vườn Quốc gia Bạch Mã.

     Ba tháng sau, biết được tài bẫy chim và khả năng thông thuộc rừng Bạch Mã của anh Cảm, đoàn nghiên cứu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cùng kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã tìm đến anh Cảm nhờ dẫn đường khảo sát khu vực khe Ao thuộc rừng quốc gia để xem có loài chim trĩ sao sinh sống hay không.

     Anh Cảm nhận lời và xin ba sợi dây dù vào rừng một mình, chỉ trong thời gian ngắn bẫy được một con chim trĩ sao mang ra trước sự ngỡ ngàng của các vị khách quốc tế.

Rừng quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Võ Thạnh     
     Sau cuộc khảo sát trên, ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc vườn Quốc gia Bạch Mã (hiện đã nghỉ hưu) đã rất ấn tượng với biệt tài của anh Cảm và muốn thu nhận anh, đưa về vườn để huấn luyện thành nhân viên kiểm lâm.

     "Chính ông Kéo là người đã cưu mang, giúp đỡ tôi trở thành một kiểm lâm viên như ngày hôm nay. Lúc theo ông về vườn vào cuối năm 1985, tôi mới 17 tuổi và chỉ thích đi săn bắt chim. Nhưng nhiều lần thấy các anh em trong đơn vị cứu giúp các loài động vật quý hiếm, tôi hiểu hơn công việc của mình và ngày càng yêu nghề", anh Cảm chia sẻ. 

     Nhái được tiếng của hơn 100 loài chim

     Bước lên Vọng Hải Đài, điểm cao nhất vườn Quốc gia Bạch Mã, anh Cảm biểu diễn kỹ năng nhái tiếng chim hót của mình, với tiếng chim cuốc, chim khứu bạc má, chim cu gáy gọi bầy... Nhiều vị khách Pháp đang tham quan Bạch Mã đã trầm trồ trước khả năng kỳ lạ của anh.

     Gần 30 năm làm kiểm lâm và sinh sống tại vườn Quốc gia Bạch Mã, anh Cảm hiểu rõ từng cánh rừng và đặc tính của mỗi loài chim. Những chuyến tuần tra trong rừng, bắt gặp các loài chim hót thì anh nhái theo từ đó quen dần, phân biệt được con chim "hót tán tỉnh" như thế nào, cho chim non ăn ra sao.

     Những cánh rừng nào anh tới mà không nghe tiếng chim hót có nghĩa là nơi đó đang bị tác động tiêu cực bởi con người hoặc thiên tai.

Nữ du khách Pháp thích thú khi được anh Cảm giới thiệu về các loài chim
Ảnh: Võ Thạnh     
    "Vườn Quốc gia Bạch Mã có trên 358 loài chim, tôi có thể hót được tiếng của trên 100 loài bằng tay, bằng miệng hoặc kết hợp cả tay lẫn miệng. Con chim khôn lắm, nếu mình hót không đúng tông, nó sẽ bay đi và không bao giờ quay lại" anh Cảm cho hay.

     Không chỉ hiểu rõ về các loài chim, anh Cảm còn là một hướng dẫn viên nổi tiếng của vườn Quốc gia Bạch Mã nhờ vốn liếng tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhiều đoàn khách quốc tế đến khám phá Bạch Mã đã được anh Cảm hướng dẫn tận tình và đặc biệt thích thú khi được nghe anh giới thiệu về các loài chim, thú đang sinh sống ở rừng.

                                                                                                   Võ Thạnh