5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Bạch Mã tiếp nhận cá thể Rùa Núi viền từ người dân và thả về rừng

     Ngày 26/07/2017, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã tiếp nhận 01 cá thể Rùa Núi viền (Manouria impressa Gunther, 1882) từ anh Phạm Văn Sơn trú tại thành phố Đà Nẵng tự nguyện hiến tặng. Đây là 01 cá thể rùa cái, có trọng lượng 03 kg, lúc tiếp nhận cá thể rùa có tình trạng sức khỏe tốt, không bị thương.

     Rùa Núi viền  là loài rùa cỡ trung bình, chiều dài mai khoảng 180 – 206 mm. Loài này thường được gọi là rùa ba đuôi vì hai chân sau có hai cái cựa lồi ra rất giống đuôi. Rùa Núi viền sống ở những khe rãnh, thung lũng ẩm ướt tới độ cao 1.500m. Chúng hoạt động vào buổi chiều, ban ngày trú trong các hang hốc. Rùa ăn các loại quả rụng, mầm cỏ, các loại nấm.

     Rùa Núi viền là loài nằm trong Danh lục động – thực vật VQG Bạch Mã, được xếp vào cấp độ Sẽ nguy cấp (VU) trong Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2013), được bảo vệ bởi Nghị định 32/2006/NĐ-CP, phụ lục IIB của chính phủ về Quản lý các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

     Sau khi tiếp nhận và kiểm tra tình trạng sức khỏe, Trung tâm cứu hộ đã kết hợp cùng Hạt kiểm lâm VQG Bạch Mã tiến hành tái thả cá thể rùa Núi viền về với môi trường tự nhiên. 

Rùa Núi viền đã được trở về môi trường tự nhiên an toàn

     Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Bạch Mã đánh giá cao ý thức và hành động bảo vệ động vật hoang dã của anh Phạm Văn Sơn. Trung tâm rất mong tiếp tục nhận được sự cộng tác từ phía người dân cũng như các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ, bảo tồn các loài động thực vật hoang dã, quý hiếm!

     Hãy cùng chúng tôi chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ đông vật hoang dã. Mọi thông tin xin liên hệ ông Ngô Minh, Quyền giám đốc Trung tâm, số điện thoại 0906 421 472. Xin chân thành cám ơn!

                                                                                                                                    Phan Kiều Ninh