Vườn quốc gia Bạch Mã hiện đang quản lý 42 tiểu khu với tổng diện tích là 37.487 ha, riêng địa bàn huyện Nam Đông Vườn quản lý 26 tiểu khu thuộc địa bàn các xã Hương Phú, Hương Lộc, Thượng Lộ, Thượng Long, Thượng Nhật với tổng diện tích tự nhiên là 24.527 ha. Trong những năm gần đây, do trình độ dân trí và nhận thức về pháp luật của một bộ phận dân cư còn thấp, một số người dân vẫn sống bằng nghề khai thác lâm sản, do vậy đã tạo áp lực lớn đến quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng,. Đăc biệt năm 2016, trên địa bàn huyện Nam Đông, tình trạng chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng, thể hiện sự coi thường pháp luật của một số đối tượng, tạo bức xúc trong xã hội. Xuất hiện một số vụ chống đối, trả thù người thi hành công vụ có tổ chức.
Nhằm tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với mọi hành vi khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép, săn, bắt, kinh doanh, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn huyện Nam Đông. Ngày 17/3/2017, Vườn quốc gia Bạch Mã, Công an Nam Đông và BCH Quân sự Nam Đông tổ chức buổi lễ ký Quy chế phối hợp.
Tới tham dự buổi Lễ có ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông; ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã; ông Nguyễn Huy Đông; Phó trưởng công an huyện Nam Đông và ông Mai Xuân Lương; Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) huyện Nam Đông.
Ông Trần Quốc Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông phát biểu tại buổi Lế ký Quy chế phối hợp
Nội dung chính của Quy chế là phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra, cung cấp thông tin về đối tượng, tổ chức lực lượng kiểm tra, phương tiện để bắt giữ; tư vấn, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn để xử lý vụ việc theo yêu cầu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán lâm sản, săn, bắt động vật rừng trái phép; thường xuyên, kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin cho nhau về tình hình, phương thức hoạt động, kết quả đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên từng địa bàn; khi có tình huống hoặc nhiệm vụ đột xuất, Ban lãnh đạo các bên chủ động trao đổi tình hình, thống nhất kế hoạch và chỉ đạo tổ chức phối hợp hoạt động; hỗ trợ lực lượng, phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ để ứng cứu khi có cháy rừng lớn xảy ra hoặc ngăn chặn các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn ĐDSH…
Ngoài ra, Quy chế phối hợp cũng nêu rõ định kỳ 6 tháng luân phiên tổ chức giao ban giữa các đơn vị, hoặc giao ban đột xuất tùy theo tình hình thực tế trên địa bàn nhằm đánh giá kết quả ưu, khuyết điểm trong công tác phối hợp, những khó khăn, vướng mắc để từ đó có biện pháp khắc phục cho hoạt động phối hợp có hiệu quả tốt hơn.
Sau khi thảo luận, các bên đã thống nhất ký vào nội dung của Quy chế phối hợp và sẽ cùng nhau thực hiện theo những nội dung đã ký kết.
Các bên đã thống nhất ký vào Quy chế chế phối hợp dưới sự chứng kiến của ông
Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện
Hy vọng sau một thời gian thực hiện Quy chế phối hợp, rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn huyện Nam Đông sẽ giảm đáng kể. Đặc biệt là tình trạng chống người thi hành công vụ, xem thường pháp luật của một số đối tượng sẽ không xảy ra, lực lượng Kiểm lâm sẽ được bảo vệ và rừng mãi mãi xanh tươi.
Phan Kiều Ninh