Đại biểu tham dự hội nghị
Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2015, công tác QLBVR của Vườn đã đi vào nề nếp và đạt hiệu quả tốt. Từ đầu năm đến nay, Vườn đã tổ chức 70 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng, bình quân mỗi đợt từ 4-5 ngày. Hạt Kiểm lâm Vườn đã thụ lý 34 vụ vi phạm (đã xử lý 28 vụ, 06 vụ đang chuẩn bị hồ sơ), chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự 01 vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 222, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, TT Huế. Công tác PCCCR đã được Vườn chú trọng, làm tốt các công tác dự phòng và công tác chuẩn bị nên từ đầu năm đến nay chưa xảy ra một vụ cháy nào trên địa bàn của Vườn quản lý.
Vườn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các vùng giáp ranh như Thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Trì, Xuân Lộc, Lộc Hòa để kịp thời ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng tự nhiên để trồng rừng. Vườn đã xây dựng các quy chế phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, quy chế phối hợp trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho 15 xã, các ban quản lý rừng phòng hộ và các ban ngành liên quan như công an, hạt kiểm lâm trên địa bàn của 03 huyện. Việc xây dựng bản đồ tuần tra theo tuyến và mở sổ nhật ký tiểu khu cho các trạm trên địa bàn huyện Nam Đông đã góp phần theo dõi diễn biến rừng và quản lý rừng hiệu quả hơn
Công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng 06 tháng đầu năm 2015, các tổ bảo vệ rừng đã tổ chức khoảng 4 đợt/tháng để tuần tra tại rừng, mỗi đợt tuần tra tử 20-25 người. Trong quá trình tuần tra, lực lượng khoán bảo vệ rừng đã xử lý một số tang vật vi phạm tại rừng như huỷ lán trại, lâm sản vi phạm cũng như nắm bắt tình hình, cung cấp tin báo cho trạm kiểm lâm Núi Mang để có hướng xử lý kịp thời.
Xác định công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm của của Vườn. Từ đầu năm 2015 đến nay, ban giáo dục môi trường đã đăng tin bài trên trang website Vườn nhằm giới thiệu hình ảnh và các hoạt động của Vườn cho bạn bè du khách trong nước và quốc tế. Thành lập và tổ chức hoạt động “Câu lạc bộ kiểm lâm tí hon” tại trường các trường học. Thông qua câu lạc bộ, các em học sinh sẽ hiểu hơn về những mối nguy hại đang đe dọa đến sự phát triển của rừng, hệ động thực vật, môi trường. Từ đó, tự bản thân các em sẽ nói lên mong muốn của mình, kêu gọi và vận động gia đình và những người xung quanh giảm thiểu những tác động xấu, nâng cao ý thức bảo tồn thiên nhiên.
Về công tác lâm sinh, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Vườn đã hoàn thành hồ sơ thiết kế các công trình lâm sinh năm 2015 (trồng rừng phục hồi sinh thái: 42,5 ha, chăm sóc rừng trồng phục hồi sinh thái và băng xanh cản lửa: 181,7 ha; vườn ươm cây bản địa). Xây dựng báo cáo đánh giá kết quả các công trình lâm sinh từ năm 2011 – 2015 và hoàn chỉnh Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 – 2020 thuộc dự án bảo vệ phát triển rừng VQG Bạch Mã giai đoạn 2011 – 2020. Xây dựng Bảo tàng của Vườn, tham gia các hoạt động đặt bẫy ảnh. Bên cạnh đó Vườn còn phối hợp, hợp tác nghiên cứu với Viện Sinh thái nghiên cứu tính đa dạng của các loài côn trùng ở Việt Nam, Viện Bảo tàng Việt Nam nghiên cứu thực vật Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Về du lịch sinh thái, sáu tháng đầu năm 2015 Vườn tiếp tục phối hợp với công ty DVDL Thanh Tâm Lăng Cô cải thiện điều kiện hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Kết quả, sáu tháng đầu năm 2015 Vườn đã đón tiếp được 5.110 lượt khách đến tham quan tại Bạch Mã. Vườn tiếp tục phối hợp với trường Cao đẳng nghề du lịch thực hiện các hợp phần của dự án ProdeTour-Huế, đưa vào hoạt động Trung tâm du khách, Hải Vọng Đài và dịch vụ vui chơi giải trí trên không.
Về công tác phát triển cộng đồng , tiếp tục kiểm tra, đánh giá hoạt động đã thực hiện tại 25 thôn thuộc xã vùng đệm VQGBM theo QĐ 24 /2012/QĐ-TTg ngày 6/1/2012 của Thủ tướng chính phủ với tổng kinh phí hỗ trợ cho 1 tỷ đồng/25 thôn. Vườn cũng tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ để nhân rộng các mô hình điển hình như mô hình Biogas, mô hình chăn nuôi cá nước ngọt, mô hình chăn nuôi lợn nái, mô hình chăn nuôi dê, mô hình trồng tre lấy măng.
Vườn luôn thường xuyên chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ theo nguồn quy hoạch, ưu tiên cho lực lượng cán bộ, Đảng viên trẻ có trình độ, có năng lực, có đủ bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất đạo đức cách mạng. Trong 6 tháng đầu năm, ở cấp cơ sở đã điều động 35 lượt cán bộ, viên chức; bổ nhiệm 11 trường hợp cán bộ viên chức.
Sáu tháng cuối năm 2015, để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, Vườn tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị ban ngành trên địa bàn triệt phá các điểm nóng về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Vườn. Xây dựng phương án và tổ chức thực hiện chế độ” Luân phiên thường xuyên có lực lượng kiểm lâm bám sát tiểu khu rừng, tuần tra bảo vệ rừng tận gốc, bảo vệ cây đứng”. Tiến hành xây dựng Nhật ký tiểu khu rừng cho các địa bàn trên toàn Vườn, Tăng cường công tác pháp chế thanh tra, chủ động triển khai công tác PCCCR để không xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng nào trên địa bàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục người dân và các em học sinh tham gia bảo vệ rừng, làm tốt các chương trình phát triển sinh kế cho người dân. Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở phục vụ cho công tác bảo tồn, bảo tàng. Triển khai công tác lâm sinh đúng tiến độ. Thành lập trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rừng. Tiếp tục hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn lực và trí lực đẻ xây dựng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn theo hướng phát triển bền vững.
Về công tác du lịch sinh thái, Vườn sẽ tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Bạch Mã, tiếp tục tìm kiếm đối tác, kêu gọi đầu tư để thực hiện Quy hoạch chi tiết du lịch sinh thái ở Bạch Mã, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái theo hướng cho thuê môi trường. Tiếp tục kết hợp với các công ty lữ hành xây dựng các tour tuyến để mở rộng hoạt động dịch vụ, tăng lượng khách đến Bạch Mã và đáp ứng nhu cầu tham quan của khách.
Phan Kiều Ninh